Nguyễn Lê Cẩm Hiền 8 tuổi, chinh phục đỉnh cao thế giới

8 tuổi, kỳ thủ cờ vua Quảng Ninh Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã xuất sắc trở thành nhà vô địch thế giới hạng U8, tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới, tổ chức tại Hy Lạp, từ 25.10 – 5.11.2015, với sự tham gia của 1.596 kỳ thủ đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng – bố đẻ, đồng thời là HLV của Cẩm Hiền - xúc động: “Hiền giỏi hơn tôi vì 8 tuổi đã vô địch thế giới, còn tôi 16 tuổi mới vô địch Châu Á”. Tôi đùa lại rằng, đúng là Hiền giỏi hơn rồi, vì còn nhỏ lại chỉ được đào tạo trong nước, trong khi Nguyễn Anh Dũng trước khi giành HCV Châu Á đã được đào tạo hơn một năm tại Nga bằng suất học bổng trị giá... 1.000 cái bàn là.

Tư chất thông minh, lại là con nhà nòi: Bố - đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng và mẹ - đại kiện tướng FIDE Lê Thị Phương Liên, Nguyễn Lê Cẩm Hiền là ngôi sao đầy triển vọng của thể thao Việt Nam.

Mầm non trong “vườn ươm” lý tưởng

Năm nay mới 8 tuổi (SN 27.4.2007), nhưng bộ sưu tập thành tích cờ vua của Hiền có lẽ ít kỳ thủ nào ở cùng độ tuổi sánh kịp. Nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất trong đoàn kỳ thủ Quảng Ninh đi thi đấu ở các giải, nhưng cái tên Cầm Hiền luôn được xướng lên nhiều nhất để lên bục nhận giải thưởng. Một trong những dấu ấn lớn mà Cầm Hiền để lại trong làng cờ thế giới là giành luôn 3 HC, trong đó có 1 HCV, trong lần đầu xuất ngoại đầu tiên tại Giải vô địch cờ vua trẻ các lứa tuổi, Iran, tháng 6.2013. Khi đó, Cẩm Hiền còn chưa biết chữ.

HLV Nguyễn Anh Dũng cho biết, anh không hướng Cẩm Hiền theo nghề bố mẹ, mà cứ để tùy con lựa chọn. Nhưng, HLV Lê Thị Phương Liên thì dứt khoát hơn - không muốn con học cờ vua bởi quanh năm sẽ phải tập luyện, thi đấu xa nhà, dù chính những ngày tháng xa nhà ấy đã tác thành cho cặp đôi kỳ thủ Nguyễn Anh Dũng (Quảng Ninh) - Lê Thị Phương Liên (Cần Thơ) nên vợ thành chồng. Chưa kể, môn thể thao trí tuệ này tổn hại nơ-ron thần kinh vô cùng, khi mà thường xuyên có những ván đấu kéo dài từ 3-5 tiếng.

Người thầy đầu tiên dẫn dắt và định hướng cho Cẩm Hiền đến với cờ vua chính là ông nội của em – ông Nguyễn Khắc Hùng. 3 tuổi, ông Hùng đã cho cháu làm quen với cờ vua. 4 tuổi, tối tối, ông lại đèo cháu trên chiếc xe đạp cà tàng, trên con đường Cao Xanh lầy lội và bụi bặm, đến Trường thể dục-thể thao Quảng Ninh để học cờ. Ở nhà, ngày ngày, hai ông cháu thường xuyên tỉ thí với nhau. Gần như ở giải đấu quốc nội nào, ông nội Nguyễn Khắc Hùng và đôi khi có cả bà nội “tháp tùng” đứa cháu yêu đi thi đấu, dù HLV Nguyễn Anh Dũng hoặc HLV Lê Thị Phương Liên luôn sát cánh bên con.

Giờ đây, đã gần 70 tuổi, nhưng gần như tối nào ông Hùng cũng lên mạng tìm đối thủ thi đấu để nâng cao trình độ, rồi cùng Cẩm Hiền phân tích những nước cờ hay. Ông Hùng bảo, lâu rồi hai ông cháu không đánh hết ván cờ, nhưng với những gì Cẩm Hiền thể hiện, có lẽ ông ít có cơ hội giành chiến thắng.

8 tuổi, với bộ sưu tập thành tích đồ sộ và trở thành nhà vô địch thế giới trẻ nhất trong làng cờ Việt Nam, giới trong nghề đánh giá Cẩm Hiền chính là bản sao của HLV Nguyễn Anh Dũng. Thời còn thi đấu, Nguyễn Anh Dũng (SN 1976) hầu như không có đối thủ ở cùng độ tuổi, thậm chí nhiều lần vô địch ở cả những giải anh đánh với các bậc đàn anh. Hơn 22 năm trong đội tuyển cờ vua Việt Nam, Nguyễn Anh Dũng đã mang về vô số HCV ở các giải danh giá quốc tế, khu vực.

Nguyễn Anh Dũng và suất học bổng trị giá... 1.000 cái bàn là

5 tuồi, HLV Nguyễn Anh Dũng bắt đầu làm quen với cờ vua, với người thầy đầu tiên cũng chính là bố đẻ - ông Nguyễn Khắc Hùng. Có rất nhiều câu chuyện vui về việc Dũng say cờ đến quên hết thế giới xung quanh. Một lần có khách đến chơi nhà, ông Hùng nhắc Dũng chào khách tới 3 lần, nhưng Dũng vẫn ngồi im như phỗng. Khách về, bị bố mắng về thái độ đối với khách, Dũng mới biết có khách đến chơi, bởi anh đang chìm đắm vào những nước cờ. Sợ con quá say cờ, nhiều lần ông Hùng phải giấu cờ đi để con còn có thời gian và tâm trí cho những việc khác.

Sau rất nhiều giải thưởng lớn ở các loại giải trong nước, trong đó có HCB giải trẻ khu vực phía Bắc (năm 1986) và HCV Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 1988, Nguyễn Anh Dũng được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp cho một suất học bổng đi tập huấn 1 năm ở Nga.

Năm đó, Liên đoàn Cờ của Liên Xô cũ chỉ dành cho Liên đoàn Cờ Việt Nam 1 suất học bổng đi tập huấn tại Nga 1 năm, và người may mắn được nhận suất học bổng đó là Đào Thiện Hải của Đồng Tháp. Đại danh thủ cờ tướng Phạm Văn Tuyển - người có công lớn trong việc gây dựng làng cờ Quảng Ninh - khi đó vô tình biết được thông tin này khi lên làm việc tại Liên đoàn Cờ Việt Nam. “Tuy nhiên, nếu Nguyễn Anh Dũng muốn đi thì phải tự lo chi phí trọn gói -khoảng 1.000 rúp, tương đương với…1.000 cái bàn là lúc bấy giờ” - ông Tuyển nhớ lại.

Giải thưởng lớn nhất của Nguyễn Anh Dũng trong thời gian tập huấn ở Nga là chiếc HCĐ thiếu niên toàn Liên bang Nga. Trở về nước, Nguyễn Anh Dũng được chọn vào đội tuyển quốc gia và trở thành đại kiện tướng quốc gia năm 1990. Ngoài việc liên tục thống trị các giải trong nước, Nguyễn Anh Dũng còn giành nhiều giải thưởng quốc tế khác, như chức vô địch giải U20 Châu Á - 1993 khi anh 16 tuổi và 3 HCV tại Sea Games 23.

Tìm thầy mới và môi trường đào tạo khác

HLV Nguyễn Anh Dũng tâm sự, trước đây, dù Cẩm Hiền có giành vô số chức vô địch tại các giải trong nước, thậm chí khu vực thì anh vẫn chỉ nghĩ rằng trình độ con mình thuộc dạng đại trà. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, sau lần vô địch U8 thế giới gần đây, anh tin Cẩm Hiền hoàn toàn có thể tách tốp để vượt hẳn lên ở một trình độ khác. Theo đại danh thủ - lão tướng Phạm Văn Tuyển, để Cẩm Hiền vươn lên ở một tầm mới, cần phải đưa đi đào tạo ở nước ngoài, cho dù có bố mẹ là HLV, đặc biệt HLV Nguyễn Anh Dũng hiện vẫn thuộc diện đẳng cấp nhất tại Việt Nam hiện nay.

Trong buổi trao thưởng cho Cẩm Hiền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu ngành thể thao địa phương phải có chiến lược đào tạo Cẩm Hiền theo phương án cho một tài năng. Chủ trương của lãnh đạo là vậy, nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu các sở, ngành…không thực sự tận tâm vào cuộc. Theo ông Nguyễn Khắc Hùng, việc Nguyễn Anh Dũng 3 lần xuất ngoại “tầm sư học đạo” thành công là nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của giới chuyên môn.

“Biết có khóa đào tạo rất hay bên Nga, tôi vội bắt xe đò từ Hà Nội về Quảng Ninh. Lúc đó vẫn còn phà Bãi Cháy, tôi phục đợi Giám đốc Sở Thể thao Quảng Ninh ở bên một đầu phà để thuyết phục ông đề xuất lãnh đạo tỉnh cấp cho Dũng suất học bổng. 1.000 rúp ngày đó rất lớn - tương đương vài trăm triệu đồng, nhưng lãnh đạo sở và sau đó UBND tỉnh đều đồng ý” - ông Tuyển nhớ lại.

Sau này đi học ở Hungary cũng vậy. “Năm 1994, sau khi học hết một năm theo kế hoạch, muốn ở lại để đạt chuẩn đại kiện tướng quốc tế thì hết tiền, mà về thì lỡ thời cơ. Các thầy bàn với gia đình đi vận động, xin tiền để Dũng ở lại học tiếp. Tỉnh đồng ý hỗ trợ một phần nhưng chưa đủ, vì thế đại diện UBND thị xã Cẩm Phả cùng chúng tôi tới các Cty than đóng trên địa bàn xin tài trợ. Cuối cùng cũng đủ, tôi không nhớ chính xác nhưng khoảng hơn 100 triệu đồng, để Dũng tiếp tục học” - ông Nguyễn Khắc Hùng kể.

HLV Nguyễn Anh Dũng cho rằng, chiến lược dài hạn là cho đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, nhưng trước mắt, vợ chồng anh tính lên kế hoạch xin tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Cẩm Hiền tham gia thi đấu các giải khu vực và quốc tế, nhằm cọ sát và nâng cao trình độ, kỹ-chiến thuật.

“Cháu tuổi còn nhỏ, xa bố mẹ, khó có thể tự lo cho mình, rồi lại còn chuyện học văn hóa. Hơn nữa, tuổi còn nhỏ khả năng hấp thụ trình độ cờ đẳng cấp thế giới sẽ hạn chế. Vì thế, đi du đấu ngắn ngày sẽ hợp lý hơn” - HLV Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.