Ở môn này, các kỳ thủ liên tục di chuyển, chạy từ nơi bấm giờ đến bàn cờ thực hiện nước đi sau đó quay về bấm đồng hồ trong sự hò reo cổ vũ của người xem (ảnh). Nếu ăn quân, kỳ thủ cũng phải vác quân cờ ăn được chạy về vạch xuất phát. Trong khi ở cờ truyền thống, hình ảnh các kỳ thủ “vò đầu bứt tai”, ngồi lì hàng giờ trên bàn đấu, lại thi đấu cách ly trong phòng khiến không khí dễ trở nên ngột ngạt, thụ động và có phần tẻ nhạt.
“Thể thao nên có yếu tố vận động, ngay cả việc chơi môn thể thao thiên về trí tuệ như cờ vua. Tại sao không thể vừa đấu trí vừa vận động cơ bắp?”. Trăn trở này khiến HLV Lê Hồng Đức nghĩ đến việc xây dựng môn thể thao cờ vua vận động. Thế nhưng phải mất hơn 30 năm tìm tòi, sáng tạo, điều chỉnh thông qua việc thực nghiệm ở nhiều nơi tại TP.HCM, Đồng Tháp..., ông Đức mới cho ra mắt “sản phẩm” khá hoàn hảo của mình.
“Cờ vua vận động giúp đa dạng hóa thể thao. Tôi nghĩ môn này thích hợp với các em thiếu nhi khi bắt đầu làm quen với môn thể thao này. Nó giúp các em thích thú khi tiếp cận, tìm hiểu để rồi nuôi dưỡng niềm đam mê với cờ vua”, HLV đội tuyển cờ vua VN Lâm Minh Châu chia sẻ.
HLV Lê Hồng Đức cho biết: “Tôi tin cờ vua vận động sẽ được đón nhận tích cực không chỉ ở TP.HCM hay Đồng Tháp. Đây là môn thi đấu thể hiện đậm nét dấu ấn sáng tạo của người VN. Mong muốn của tôi là tổ chức một giải đấu toàn quốc cho môn thể thao này ngay trong năm 2016”.
Hoàng Quỳnh