Cô gái khiếm thị vượt lên số phận giành ngôi vô địch cờ vua Đông Nam Á

Minh Thư vui vẻ trong trận đấu

Với một bên mắt hư không nhìn thấy gì, bên còn lại chỉ thấy được mờ mờ trong một khoảng không gian hẹp, cô gái vàng -Nguyễn Thị Minh Thư đã vượt qua khiếm khuyết của bản thân và trở thành nhà vô địch cờ vua Đông Nam Á.


Tuổi thơ nghèo khổ và bệnh tật của nhà vô địch cờ vua Đông Nam 

Khi được sinh ra, Nguyễn Thị Minh Thư (Khánh Hòa) khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Tưởng chừng cuộc sống nơi thôn quê của Thư và gia đình sẽ được vui vẻ, bình yên. Thế nhưng, khi vào lớp 1, những cơn đau mắt thường xuyên xảy ra, khiến việc học của Thư bị ​gián đoạn. Sau khi đến bác sĩ kiểm tra, gia đình vô cùng hoang mang khi nhận được tin đứa trẻ lên 6 như cô lại bị mắc chứng teo gai thị giác bẩm sinh. Gia đình vốn dĩ thuần nông và nghèo khó nhưng vì thương cô con gái nhỏ của mình, nên cha Thư đã chạy vạy khắp nơi vay mượn để chạy chữa cho cô. Sóng gió lại ập đến, làm tắt hết mọi hi vọng của gia đình Thư khi cuộc phẫu thuật thất bại.

Điều đó đã khiến cho đôi mắt của Minh Thư không còn được lành lặn, mắt trái hoàn toàn không nhìn thấy gì, mắt phải lại lờ mờ chỉ nhìn thấy được ở khoảng không gian hẹp. Sau đấy, gia đình đã cho cô dừng việc đến trường và mua sách về nhà để tự học. Cô gái trẻ kể lại:

“ Thật ra lúc đó tôi cũng thắc mắc, không biết lí do vì sao mẹ lại cho tôi nghỉ học. Ở nhà, nhớ trường, nhớ lớp nên tôi đã đòi mẹ mua sách về nhà cho mình tự học. Học đến lớp 4, tôi được đưa đến trung tâm bảo trợ tỉnh Khánh hòa học lại lớp 2.”

Khi được hỏi về cơ duyên đến với môn cờ vua, Minh Thư vui vẻ nhớ lại:“Trong khoảng thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, nhìn thấy có đứa bạn chơi cờ vua khá vui, nên mẹ đã mua tặng cho Thư một bộ để chơi cho khuây khỏa. Thế là mình bắt đầu chơi và mê từ đó.”

Không đầu hàng số phận, nhà vô địch cờ vua Đông Nam Á đã có một quyết định hết sức táo bạo khi một mình vào TP HCM tiếp tục con đường học tập. Ban đầu, do gia đình khó khăn nên không đủ chi phí lo cho Thư đến trường. Nhưng may mắn, cô gái trẻ nhận được sự giúp đỡ của các cô giáo ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa, Minh Thư đã được trợ cấp chi phí cho cả cấp 2, cấp 3 để theo học tại trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. 

Tại đây, cô đã được tiếp xúc nhiều hơn với môn cờ vua và được tham gia nhiều giải đấu lớn nhỏ trong nước cũng như quốc tế. Thư bày tỏ:“ Có thể nói, các cô ở Trung tâm bảo trợ xã hội là những ân nhân lớn nhất của Thư, không nhờ sự giúp đỡ đó, chắc chắn đã không có mình như bây giờ. Thư mang ơn các cô nhiều lắm.”

Minh Thư xuất sắc nhận giải thưởng tại đấu trường quốc tế

Bảng thành tích vàng đáng nể của cô gái khiếm thị

Nhắc về lần đầu đi thi, Minh Thư hào hứng kể lại:“Tình cờ năm 2010, nhà trường có tổ chức một đợt tuyển các học sinh biết chơi cờ vua tham gia một giải của thành phố, mình đã xung phong đi thi và may mắn giành giải nhất. Cũng nhờ lần thi đấu đó, mình gặp được HLV Lê Hiền Thục, cô đã giúp đỡ mình rất nhiều về chuyên môn”.

Nhờ vào lần bén duyên đó, Minh Thư được vào đội tuyển cờ vua TP.HCM và đội tuyển quốc gia. Năm 2012, Thư đã giành một loạt huy chương: 3 HCV, 1 HCB tại giải vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc. Năm 2013, cô được giành 2 HCV, 1 HCĐ khi tham gia Thế vận hội châu Á ASIAD trẻ tại Malaysia.

Mặc dù liên tiếp nhận được các “cơn mưa” giải thưởng, nhưng Minh Thư không hề tự mãn với kết quả mình đạt được mà luôn ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ. Và tiếp tục đem lại cho nước nhà những kết quả đáng tự hào tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Para Games các năm 2014, 2015 với 3 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ. Mới đây nhất, tại Para Games 2017, Minh Thư đã xuất sắc mang về 2 HCV, 1 HCB. Với những thành tích có được trong thể thao, cô gái vàng – Nguyễn Thị Minh Thư đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Nhà vô địch cờ vua Đông Nam Á hạnh phúc nhận thưởng

Là một cô gái đầy nghị lực, hằng ngày bên cạnh việc rèn luyện kĩ năng cờ vua,Minh Thư còn chăm chỉ trau dồi kiến thức phổ thông. Nhờ vào năng lực của bản thân, cô gái trẻ đã được tuyển thẳng vào Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tại đây, cô tiếp tục nuôi cho mình một ước mơ:

“Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi gặp được nhiều người thầy tốt đã cho mình cuộc sống hôm nay. Tôi ước mơ sau này có thể mở được một ngôi trường cho những bạn nhỏ bị khuyết tật như mình, ngay trên quê hương, để không còn ai mù chữ, sống vất vưởng, tương lai mù mịt.”