8 tuổi đã có thẻ tiết kiệm “khủng”
Năm 2015, ngay sau chức vô địch giải trẻ thế giới, mới 8 tuổi, kỳ thủ nhí Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã bước đại nhảy vọt về thu nhập, cũng như có thể kiếm ra tiền trên chính bàn cờ. Không chỉ được ngành thể thao Quảng Ninh đặc cách cho hưởng chế độ VĐV tuyến 1 với mức còn cao hơn cả lương bố mẹ là HLV cờ mà cô bé thông minh còn có được hai hợp đồng tài trợ để có thể mỗi năm xuất ngoại tranh tài 5-7 giải tự chọn. Cẩm Hiền đã mang hơi hướng của một kỳ thủ chuyên nghiệp quốc tế, với khoản thu nhập đều và ổn nhờ thành tích xuất sắc. Trung bình mỗi năm, em tranh tài cả trên chục cuộc đấu trong và ngoài nước. Giải ít cũng được vài trăm USD, giải nhiều lên tới cả vài nghìn.
Như tiết lộ từ mẹ Phương Liên, cũng là HLV trực tiếp, thì gia đình đã làm cho con gái một thẻ tiết kiệm cho mọi khoản thu nhập của Hiền nhằm phục vụ những mục tiêu lớn trong tương lai, ví như để sang tập huấn tại một trung tâm đào tạo quốc tế nào đó. Tài khoản tiết kiệm của kỳ thủ sinh năm 2007 giờ đã vượt quá con số nửa tỷ đồng.
Một điển hình khác chính là tài năng trẻ Nguyễn Anh Khôi. Từ năm 15 tuổi, nhờ thành tích của chính mình, mỗi tháng Khôi đã sở hữu không dưới 15 triệu đồng tiền chế độ đầu tư của ngành thể thao TP HCM. Ngoài ra, Khôi còn kiếm thêm được những khoản đáng kể nhờ tài cờ hiếm có. Đơn cử 2017, năm mà Khôi đã đoạt tới 2 HCV giải trẻ thế giới, em lĩnh thưởng không dưới 500 triệu đồng từ các nguồn khác nhau.
Đáng nói hơn, Cẩm Hiền hay Anh Khôi, không phải là ngoại lệ mà còn mấy chục kỳ thủ nhỏ tuổi sớm bộc lộ tài năng khiến các bạn cùng trang lứa ghen tị vì những chuyến thi đấu và tiền thưởng, tất nhiên ở các mức độ khác nhau. Các em chẳng những tự trang trải, tự tái đầu tư cho phát triển nghiệp cờ, mà còn phần nào đó hỗ trợ được cả gia đình mình.
Thu nhập 20 triệu đồng/tháng là thường
Tổng thư ký Liên đoàn Cờ vua Việt Nam Nguyễn Anh Thư nhận định, dù số được như Quang Liêm hay Cẩm Hiền rất hiếm, nhưng các kỳ thủ ngày càng có điều kiện để sống ổn, sống tốt từ chính việc kiếm tiền trên bàn cờ, nhờ môn này đang xã hội hóa và hội nhập quốc tế tốt. Một giải quốc gia cũng có mức thưởng vài chục triệu đông cho nhà vô địch, hay một giải quốc tế như HD Bank Cup do Việt Nam đăng cai có tổng thưởng lên tới 45.000 USD. Tầm cỡ từ tuyển thủ quốc gia hay kiện tướng quốc gia đã có thể có thu nhập từ 20-30, thậm chí 50 triệu đồng/tháng, có lẽ chỉ thua mỗi bóng đá.
Rõ nhất như trường hợp của hai vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên. Cả hai hiện đang đầu quân cho Cần Thơ, và mỗi người được đơn vị chủ quản đảm bảo mức thu nhập cứng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, mỗi tháng, họ còn tranh tài ít nhất 1-2 giải trong nước và quốc tế. Tất nhiên có giải này giải nọ, phụ thuộc vào mức thưởng và phong độ, song cuộc nào họ cũng có tiền dư mang về. Theo tiết lộ, qua mấy năm về chung nhà, vợ chồng chị cũng bỏ ra được vài trăm triệu đồng/năm.
Trong khi đó, số kỳ thủ có mức thu nhập như anh, khiêm tốn cũng khoảng 20-30 triệu đồng /tháng ở Việt Nam cũng phải cỡ vài chục. Cờ vua cũng là môn hiếm hoi áp dụng triệt để quy định rất “thoáng” của quốc tế cho phép các kỳ thủ chuyển nhượng dễ dàng, để vừa phát huy được tài năng vừa có thêm thu nhập. Nhờ thế, một loạt tên tuổi của cờ vua Thừa Thiên Huế như Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng thay vì chấp nhận mức thu nhập bào bọt 2 -3 triệu đồng/tháng đã có thể tìm đến bến đỗ mới như Bắc Giang, Hà Nội, Bình Dương để kiếm được gấp cả chục lần.
Chỉ có điều, mặt bằng chung thu nhập của các kỳ thủ Việt hãy còn thua thiệt rất xa so với quốc tế, do môn này hãy còn lãng phí trong việc xã hội hóa và khai thác tiềm năng hiếm có của mình.
Nhị Hường