"Sư phụ" của Mark Zuckerberg và tuyên bố đánh bại Bill Gates trong vòng nửa phút
Ngày 16/1/2014, tấm ảnh về một ván cờ vua nhanh chóng nhận được hàng trăm ngàn lượt chia sẻ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Sự chú ý này đến từ việc 2 kỳ thủ xuất hiện trong tấm ảnh là "ông vua mạng xã hội Facebook" Mark Zuckerberg và "ông vua cờ" Magnus Carlsen. Sau này, người ta mới biết Magnus được mời đến để dạy Mark chơi cờ vua.
Một tuần sau đó, Magnus lại khiến cả thế giới chú ý bằng ván cờ với tỷ phú Bill Gates. Magnus có tổng cộng 30 giây cả suy nghĩ và di chuyển các quân cờ trong ván đấu này. Vậy mà chỉ mất có 9 nước cờ, Magnus đã chiếu bí Bill Gates. Tính đến thời điểm đó, Magnus chỉ dùng hết có 12 giây. Anh thậm chí còn cầm quân đen, là quân cờ đánh sau.
Vậy Magnus đã làm thế nào để đánh bại nhà đồng sáng lập Microsoft, một người cũng rất nổi tiếng với khả năng chơi cờ vua và là một tay cờ không tồi? Mô phỏng sau đó cho thấy Magnus dùng một chiêu rất đơn giản để "dụ" Bill Gates.
Magnus hy sinh một quân Mã và quân Tượng trắng để khai thác sơ hở từ những nước tấn công anh dàn sẵn ra cho Bill Gates. Vị tỷ phú say mê ăn những quân cờ mạnh từ Magnus mà không ngờ mình bị bẫy vào "thiên la địa võng" do Magnus bày ra. Đến thời điểm tưởng như cầm chắc lợi thế chiến thắng, Gates bị Magnus phản công chỉ bằng đúng một đòn chiếu bí.
Sau những màn đấu trí đầy hấp dẫn trong bộ môn cờ vua với hai vị tỷ phú hàng đầu của làng công nghệ, Magnus đã chia sẻ những nhận xét về khả năng chơi cờ của Mark và Bill Gates: "Gates chơi giỏi hơn, nhưng Mark học chơi cờ rất nhanh. Dường như anh ấy có tài năng bẩm sinh trong môn này".
Nếu muốn nghe một người Việt Nam nói về khả năng đánh cờ của Magnus Carlsen, không ai rõ hơn ngoài Lê Quang Liêm. Đại kiện tướng cờ vua của Việt Nam từng để mất danh hiệu vô địch cờ chớp thế giới vào tay Magnus Carlsen hồi năm 2014. Ở vòng loại, anh cũng chịu thua tâm phục khẩu phục sau 103 nước đi.
Vậy Magnus Carlsen là ai? Tài năng cờ vua của anh ta đến mức nào mà lại có thể khiến hai vị tỷ phú được mến mộ nhất thế giới bởi tài năng và trí thông minh dễ dàng chịu khuất phục và học hỏi đến vậy?
"Vô đối" trong bộ môn cờ vua
Magnus Carlsen từng vô địch cờ vua thế giới ở cả ba nội dung: Cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp. 3 năm qua, Carlsen chưa từng có đối thủ nào xứng tầm để đấu một ván cờ ra trò với anh.
Magnus Carlsen không chỉ là một Đại kiện tướng cờ vua, một nhà vô địch bình thường. Từng sở hữu hệ số Elo lên tới 2882 (hiện tại là 2851), con số cao chưa từng có trong lịch sử làng cờ vua thế giới, Carlsen được mệnh danh là thiên tài cờ vua xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại.
Mới đây, bộ phim tài liệu nói về cuộc đời Đại kiện tướng Magnus Carlsen do Na Uy sản xuất đã có tới 38 quốc gia mua lại công chiếu. Tháng Tư vừa qua, bộ phim này đã trình chiếu tại liên hoan phim Tribeca ở New York. Đây là phim tài liệu Na Uy đầu tiên trong lịch sử được chiếu tại đây.
Tên tuổi Carlsen luôn xếp hàng đầu trong những chủ đề bàn luận có liên quan đến cờ vua. Người ta làm riêng một ứng dụng chơi cờ vua trên smartphone để người hâm mộ có thể thử đấu với một phiên bản mô phỏng phong cách chơi của Magnus, bởi không phải ai cũng có cơ hội đối đầu với anh ngoài đời thực.
Chỉ số thông minh (IQ) của Magnus cũng là một đề tài gây không ít tranh cãi giữa những người mến mộ anh. Trên mạng xã hội Quora, một thành viên có tên Adi Somasundaram nói: "Đại kiện tướng Garry Kasparov, người từng sở hữu chỉ số Elo 2851 có IQ vào khoảng 190. Còn với Magnus, đúng là không thể ước lượng IQ của cậu ấy trừ khi làm bài kiểm tra".
Tài không đợi tuổi
Magnus Carlsen sinh ngày 30/11/1990 tại vùng Vestfold, Na Uy. Magnus bắt đầu làm quen với cờ vua từ khi 5 tuổi. Người thầy và cũng là đối thủ đầu tiên trong đời anh là người cha Henrik Albert.
"Ông bắt đầu chơi chỉ với một quân Tốt, còn tôi có đầy đủ những quân cờ. Khi tôi bắt đầu thắng, ông chơi bằng hai con Tốt, và cứ tiếp tục như vậy. Các ván cờ ngày càng khó hơn, nhờ đó tôi chơi ngày càng giỏi hơn", Magnus hồi tưởng.
Không giống như nhiều đại kiện tướng khác chơi cờ và bước chân vào làng cờ chuyên nghiệp từ rất sớm (4-5 tuổi), phải đến năm 8 tuổi, Magnus mới chuyên tâm vào công việc của một kỳ thủ chuyên nghiệp. Sau này anh thú nhận lúc đó mình vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng và cần "trưởng thành hơn một chút" để bắt đầu.
Khởi đầu chậm nhưng Magnus tiến rất nhanh trong sự nghiệp cờ vua chuyên nghiệp. Năm 13 tuổi, anh giành danh hiệu Đại kiện tướng cờ vua. Năm 2013, chỉ ít ngày trước sinh nhật tuổi 23, anh chính thức giành ngôi vị vô địch cờ vua thế giới.
Một năm sau, anh bảo vệ thành công danh hiệu này trước cựu vô địch Vishy Anand, người hơn anh tới 21 tuổi và giữ vững danh hiệu này từ đó đến nay. Khác với suy nghĩ nhiều người, Magnus quan niệm người chơi cờ vua có thể bắt đầu học để chơi giỏi ở bất kỳ lứa tuổi nào, chỉ là nếu càng muộn thì khả năng tiến xa sẽ thấp hơn.
Thiên tài không cần thừa nhận
Làng cờ vua thế giới tôn vinh Magnus Carlsen là thiên tài cờ vua số một, là kỳ thủ xuất sắc nhất nhân loại từng sản sinh ra. Chỉ có anh là không thừa nhận điều đó với tuyên bố "Tôi không phải một thiên tài", đồng thời chia sẻ bản thân anh đôi lúc thấy mình khá lười biếng.
Sự lười biếng và tuyên bố "không phải thiên tài" ấy dường như được Magnus thể hiện ngay trong buổi phỏng vấn với Erica Buist, nữ phóng viên tờ The Guardian. Thay vì bước vào với một đống người tháp tùng phía sau, Magnus đi chầm chậm vào phòng phỏng vấn. Một tay anh cầm chặt chiếc sandwich, tay còn lại đưa cho Erica một túi giấy và nói: "Xin lỗi vì đến muộn. Tôi có mua bánh cho cô này".
Vậy điều gì khiến một người ban đầu chẳng mấy hứng thú với cờ vua, thi đấu chuyên nghiệp muộn, không phải thiên tài và có phần lười biếng lại trở thành kỳ thủ số một thế giới? Bản chất câu chuyện cuối cùng cũng chỉ xoay quanh hai chữ: Luyện tập.
"Những kỳ thủ khác tập đánh cờ mỗi tuần một lần, và chơi một giải đấu vào cuối tuần giống như thú vui thông thường. Nhưng đánh cờ lại là thứ tôi muốn thực hiện hàng ngày, vậy nên tôi vượt qua họ. Còn về những cách tiếp theo để vượt trội hơn người khác thì tôi không thể bật mí được", Magnus chia sẻ.
Những câu chuyện được kể lại sau này cho thấy hồi nhỏ Magnus nâng cao trình độ bằng cách ngồi đánh cờ một mình hàng giờ đồng hồ liền. Anh di chuyển các quân cờ khắp bàn cờ, tìm cách kết hợp chiến thuật với nhau.
Trí nhớ của anh cũng rất đáng nể. Ngay từ khi 5 tuổi anh đã có thể nhớ vanh vách khu vực, dân số, địa lý và quốc kỳ của tất cả các quốc gia trên bản đồ thế giới. Tính từ mùa thu năm 2000 cho đến cuối năm 2002, tức là khi mới 12 tuổi, Magnus chơi gần 300 trận tại các giải cờ vua ở Na Uy.
Đối thủ duy nhất có thể đánh bại, và tình yêu bất tử với bộ môn cờ
Như đã nói ở trên, Magnus Carlsen xuất hiện trong một game cờ vua có tên Play Magnus. Trò chơi này "khó kinh người" đến mức Magnus phải thừa nhận là "chơi với Magnus ở lứa tuổi nào cũng quá khó đối với tôi".
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là Magnus sẽ bỏ qua những ván cờ kinh điển, hay cơ hội đối đầu với một kỳ thủ tầm cỡ: "Tôi luôn sẵn sàng để đấu với bất kỳ một kỳ thủ nào như Garry Kasparov. Tôi sẽ rất vui nếu ông ấy chịu chơi cùng một ván cờ chớp hoặc cờ nhanh".
Dù vậy, những đối thủ "kẻ tám lạng, người nửa cân" với Magnus cũng không thiếu. Một trong số đó là Anish Giri, kỳ thủ hạng 4 thế giới người Hà Lan gốc Nga, người mà Magnus thừa nhận anh "chưa hề thắng": "Cậu ấy có chiến thuật tốt, và rất khó bị mắc lừa".
Một đối thủ khác cũng không hề kém cạnh Anish Giri là Sergey Karjakin, Đại kiện tướng người Nga gốc Ukraina. Tháng 11 tới, Magnus Carlsen sẽ bước vào trận đấu bảo vệ chức vô địch trước kỳ thủ này. Karjakin hiện là kỳ thủ trẻ tuổi nhất trở thành Đại kiện tướng khi mới 12 tuổi 7 tháng.
Từ một cậu bé chẳng mấy yêu thích cờ vua, Magnus Carlsen đam mê nó từ lúc nào chẳng hay. Giờ đây anh chẳng cần sắp xếp lại một ván cờ từng đánh để thử đấu lại, bởi anh có thể hình dung rõ ràng từng nước đi trong đầu mình.
Trong bài phỏng vấn mới nhất được phát trực tiếp qua Facebook hồi cuối tháng 5 vừa qua, khi được hỏi "Chơi cờ có bao giờ khiến anh buồn chán không", Magnus thẳng thừng trả lời: "Không. Tôi sẽ chơi cờ cho tới ngày tôi chết. Hy vọng ngày ấy sẽ không đến sớm".