Xuất phát điểm không thua ai
Những năm qua, cờ vua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trên đấu trường khu vực và thế giới. Cái tên Lê Quang Liêm đã trở nên quen thuộc với mọi người khi góp công lớn vào thành công này.
Cờ vua Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng với nhiều kỳ thủ trẻ tài năng, thường xuyên tham gia các giải đấu quốc tế. Đây sẽ là hạt giống thúc đẩy phong trào cờ vua Việt Nam mạnh hơn để trở thành “cường quốc cờ vua” của thế giới. Các kỳ thủ Việt Nam luôn luôn biết biến khó khăn thành động lực, giúp họ có những màn bứt tốc ngoạn mục.
Mới đây, giải cờ vua trẻ toàn quốc 2019 đạt con số kỷ lục VĐV tham dự, theo đó, 1.255 kỳ thủ thuộc 42 đoàn VĐV dự tranh 128 bộ huy chương ở 4 thể loại (cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn và cờ truyền thống). Giải có sự tham dự của gần như đầy đủ những gương mặt xuất sắc nhất trong các độ tuổi, nổi bật có Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Nguyễn Thiên Ngân, Bạch Ngọc Thùy Dương, Trần Đăng Minh Quang, Ngô Đức Trí, Đào Minh Nhật, Chu An Khôi, Trần Minh Thắng... những VĐV đã thi đấu rất thành công tại các giải trẻ châu Á và Đông Nam Á gần đây.
Cờ vua là môn thể thao trí tuệ đòi hỏi và phát triển tư duy, trí thông minh, óc sáng tạo, những phẩm chất tốt đẹp như: tính quyết đoán, tính kỷ luật, sự bình tĩnh... của người chơi rất phù hợp với người Việt Nam. Dù mới du nhập vào Việt Nam nhưng phong trào cờ vua đã phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Xuất phát điểm tốt, nhưng ông Nguyễn Minh Thắng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam - chia sẻ rằng: Nói về môn thể thao trí tuệ như cờ vua, thì Việt Nam không thua kém bất cớ nước nào trên thế giới về số lượng người chơi. Song, ngay lập tức ông Thắng cũng trăn trở: “Tuy nhiên khi lên chuyên nghiệp, lại là câu chuyện hoàn toàn khác”…
Bài toán chuyên nghiệp
Trong những năm qua, VĐV cờ vua Việt Nam đã mang về những danh hiệu: Đại kiện tướng quốc tế (Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Ngọc Trường Sơn), vô địch thế giới lứa tuổi trẻ (Đào Thiên Hải lứa tuổi 16, Nguyễn Thị Dung lứa tuổi 12, Nguyễn Ngọc Trường Sơn lứa tuổi 10, Lê Quang Liêm lứa tuổi 14), Kiện tướng quốc tế (Từ Hoàng Thái, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Nguyễn Quỳnh Anh...), Kiện tướng FIDE (Đặng Bích Ngọc, Lê Kiều Thiên Kim...). Thế nhưng, những thành công đó vẫn chưa tương xứng với phong trào cờ vua phát triển như hiện nay. Đất nước Ấn Độ - “cái nôi của cờ vua thế giới” - vừa công bố đã có đại kiện tướng thứ 61. Nhìn họ và ngẫm đến ta, đến nay Việt Nam mới chỉ có vỏn vẹn 10 đại kiện tướng. Tất nhiên Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển cờ vua, song chúng ta có bao giờ nghĩ vì sao ở lứa tuổi nhỏ ta có thể cạnh tranh sòng phẳng nhưng càng lớn lên thì các kỳ thủ ta lại thua kém?
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng sự đầu tư cho giáo dục cùng truyền thống văn hóa chính là một phần nguyên nhân dẫn đến sự vượt trội của học sinh Việt Nam. Đó cũng là lý do giải thích vì sao các bậc cha mẹ họ không muốn con cái dành hoàn toàn thời gian vào cờ vua.
Theo ông Nguyễn Minh Thắng, đa số tài năng cờ vua dù đạt thành tích cao ở các giải trẻ quốc tế nhưng vẫn không được định hướng theo cờ chuyên nghiệp. Mặt khác, sự đầu tư, đãi ngộ dành cho các kỳ thủ cũng còn ở mức rất khiêm tốn, dẫn tới việc các VĐV rất khó tạo sự bứt phá, nâng tầm trình độ để vươn lên hàng ngũ những Siêu Đại kiện tướng.
Thực tế thì ở các thành phố lớn, phụ huynh thích khuyến khích con em đến với cờ vua để tăng cường khả năng tư duy, phát triển trí não, tức là chỉ chơi cho… vui, ít quan tâm đến chuyện cho con theo chuyên nghiệp. Nói cách khác, con đường chuyên nghiệp ở Việt Nam còn khá chênh vênh, nên không ít phụ huynh vẫn cho con mình “tập trung học văn hóa trước đã”…
Ví dụ điển hình nhất là trường hợp Nguyễn Anh Khôi. Từng gây sốt với người hâm mộ cờ vua khi đoạt HCV U10, U12 thế giới nhưng nay đã gần 18 tuổi vẫn chưa đạt được danh hiệu đại kiện tướng. Phải chăng việc lấn cấn giữa trở thành bác sĩ hay một kỳ thủ chuyên nghiệp đã làm cho sức tiến của Khôi chậm lại?
Đây chính là trăn trở lớn nhất của những người quản lý môn cờ vua nói riêng và nhiều môn thể thao khác nói chung. Ngay cả như VĐV hàng đầu như Lê Quang Liêm, cũng phải vừa học, vừa chơi cờ (theo học đại học tại Mỹ), nên phong độ không ổn định.
Giải bài toán trên thực sự rất khó. Ông Thắng thừa nhận: Muốn VĐV tập trung cho cờ vua, thì chỉ còn cách… học ít đi thôi, mà điều này là không thể, bởi suy nghĩ của người Việt Nam luôn chọn cách an toàn, chắc ăn.
Giới chuyên môn khẳng định, để giỏi một lĩnh vực nào đó đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ. Khi đã xác định được mục tiêu của mình thì phải hy sinh thời gian cho nó. Trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp đúng nghĩa đòi hỏi một sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ, phải có một tình yêu mãnh liệt với nó thì mới thành công được.
Ở một khía cạnh khác, cờ vua Việt Nam đã, đang và sẽ rất cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Việt Nam cần một môi trường cờ tích cực hơn, cần thêm nhiều sự tham gia của các đối tác tài trợ, qua đó mới có thể từng bước giải quyết được bất cập giữa tiềm năng và phát huy tiềm năng rất lớn của cờ vua Việt Nam trong tương lai.
An Chi