Cờ vua Việt Nam: Bài toán kinh phí và chuyện phổ cập trong nhà trường

Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới Kirsan Ilyumzhinov.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển môn cờ vua được chỉ ra là không có đủ kinh phí. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa khác còn quan trọng hơn là cờ vua chưa được phát triển rộng rãi từ cấp nhà trường. Đây là hai vấn đề đang khiến những nhà quản lý môn cờ vua phải đau đầu tìm lời giải.


Ở Việt Nam, thường các VĐV khi còn nhỏ có sự phát triển rất tốt nhưng khi lớn hầu hết chững lại. Để trở thành một VĐV chuyên nghiệp có thể kiếm tiền sống khỏe từ cờ vua, đáng buồn thay hiện tại chỉ có duy nhất trường hợp của kỳ thủ Lê Quang Liêm.

Kinh phí là vấn đề nói mãi, nói hoài, và cách giải bài toán này chỉ có một cách duy nhất là xã hội hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các kỳ thủ được tài trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thần đồng một thời Trường Sơn bày tỏ: “Khi còn nhỏ, tôi được nằm trong nhóm các VĐV trẻ có danh hiệu sớm nhất. Nhưng sau đó không có điều kiện thi đấu nên chững lại, trong khi các VĐV cùng lứa ở nước ngoài thi đấu 10-15 giải mỗi năm, tức là gấp 3-4 lần mình.

Các VĐV Việt Nam hầu hết dựa vào năng khiếu, còn VĐV nước ngoài được đào tạo bài bản, nhất là các cường quốc như Nga, châu Âu. Nhưng năng khiếu chỉ là một phần, bởi về lâu dài mình dễ bị tụt lại”.

Hiện tại chỉ có Quang Liêm cạnh tranh được các đối thủ hàng đầu, còn lại đều khó phát triển và đi theo con đường chuyên nghiệp.

Nhưng ngay cả kỳ thủ này, mỗi năm cũng chỉ thi đấu được 6-8 giải là... hết tiền nếu không đạt thành tích.

“Kinh phí là vấn đề không chỉ với các VĐV Việt Nam, mà nước ngoài cũng vậy. Nhưng chúng ta có bất lợi lớn là thường tham dự các giải ở châu Âu - nơi có nền cờ vua phát triển, việc di chuyển, ăn ở sẽ rất tốn kém”- Quang Liêm cho biết.

Dẫu vậy, để khắc phục khó khăn này, Quang Liêm đưa ra lời khuyên với các VĐV muốn theo chuyên nghiệp: “Hiện tại ở Đông Nam Á, châu Á cũng có nhiều giải chất lượng chứ không nhất thiết phải thi đấu ở châu Âu. Ngoài ra, việc tự bỏ tiền túi ra nhưng thu lại được kinh nghiệm, cọ xát để cải thiện trình độ cũng là sự đầu tư cần được xác định ngay từ đầu”.

Làm thế nào để phát triển một đất nước rất có tiềm năng về cờ vua như Việt Nam trở thành một cường quốc của môn thể thao trí tuệ, không chỉ là bài toán khó với những nhà quản lý Việt Nam, mà còn với bạn bè quốc tế.

Để có nhiều kỳ thủ xuất sắc như mô hình các nước châu Âu đang làm, theo Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) Kirsan Ilyumzhinov, điều kiện bắt buộc là phải đưa cờ vua vào chương trình giảng dạy trong trường học.

“Hiện nay trên thế giới có 600 triệu người chơi cờ vua, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 tỷ người chơi cờ vua. Muốn thực hiện được điều này, Liên đoàn cờ vua thế giới đưa ra 3 giải pháp, đó là đưa cờ vua vào chương trình bắt buộc ở phổ thông, phát triển cờ vua ở vùng nông thôn hẻo lánh và từng hộ gia đình”- ông Kirsan Ilyumzhinov nói.

Trong 3 giải pháp này, theo người đứng đầu Liên đoàn cờ vua thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể giảng dạy cờ vua ở nhà trường, và nếu làm tốt, chỉ sau 10 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc cờ vua.

“Các bạn có nhiều điều kiện để phát triển, như có nhiều người chơi giỏi, nhiều chuyên gia, và được Chính phủ ủng hộ. Nếu có một lộ trình phù hợp, và được đưa vào chương trình phổ thông, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những nền cờ vua mạnh hàng đầu thế giới”- Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới Kirsan Ilyumzhinov khẳng định.

Theo lãnh đạo Liên đoàn cờ vua Việt Nam, có nhiều yếu tố, nhưng đúng là hiện nay phong trào cờ vua học đường đang phát triển thụ động bởi thiếu sự liên kết bền chặt giữa thể thao và giáo dục. Cờ vua chưa được coi là môn thể thao học đường.

Bên cạnh đó, môi trường thuận lợi nhất để phát triển cờ vua là các thành phố lớn. Nhưng ở thành phố thì phụ huynh thích khuyến khích con em đến với cờ vua để tăng cường khả năng tư duy, phát triển trí não, tức là chỉ chơi cho…vui, ít quan tâm đến chuyện cho con theo chuyên nghiệp.