Ở giải nữ càng xa hơn - Nguyễn Thị Thanh An vô địch năm 2005, Lê Kiều Thiên Kim vô địch năm 2006 và 2007. Từ năm 2012 đến nay, Quang Liêm không góp mặt, Thiên Hải, Thanh An, Thiên Kim, Phạm Bích Ngọc chỉ nhận HCĐ. Trước đó, Thiên Hải là kỳ thủ của Đồng Tháp, còn Bích Ngọc từng nhiều năm khoác áo Kiên Giang, Cần Thơ và mới về đầu quân TPHCM hồi năm ngoái.
Rõ ràng, sau lưng “tượng đài” Quang Liêm vẫn là một khoảng trống, còn sau khi Thanh An, Thiên Kim có vẻ như chựng lại thì cũng chưa có người thay thế. Nhìn sang một trung tâm cờ vua mạnh ở phía Bắc, Nguyễn Văn Huy và Hoàng Thị Bảo Trâm đều là quân của đơn vị khác trước khi mang về cho Hà Nội 2 chiếc HCV ở giải hạng nhất quốc gia 2015.
Lý giải về điều này, theo một HLV kỳ cựu của cờ vua TPHCM, cũng như Hà Nội, nhiều tài năng trẻ của TPHCM thường quan tâm đến việc tập trung học văn hóa nhiều hơn chơi cờ. Muốn nâng cao trình độ chuyên môn cần phải chịu một ít tốn kém ban đầu để du đấu và phải chấp nhận phiêu lưu. Nếu không có niềm đam mê và chỉ tính toán theo “ăn chắc mặc bền”, thì việc học văn hóa để lo cho tương lai vẫn là con đường được nhiều kỳ thủ lựa chọn.
Giới hâm mộ cờ vua TPHCM đang kỳ vọng vào nhà vô địch thế giới trẻ Nguyễn Anh Khôi và một vài gương mặt nữ trẻ, nhưng còn phải chờ thêm thời gian vì không thể vội vàng “ép chín”. Hà Nội, TPHCM không thiếu tiền để đầu tư, nhưng làm thế nào thu hút được nhiều kỳ thủ tài năng gắn bó lâu dài với bộ môn vẫn là vấn đề mà ngành TDTT và Liên đoàn Cờ còn trăn trở.