Vấn đề là cờ vua Việt Nam cũng như Hà Nội cần có nhiều sân chơi như vậy để nâng vị thế trong làng cờ vua thế giới. Để được như vậy, đương nhiên cần sự chung tay của những người tâm huyết với môn thể thao này.
Sân chơi nhỏ nhưng cần thiết
Câu chuyện cờ vua Việt Nam thiếu những sân chơi có tính hệ số elo quốc tế nhằm giúp các kỳ thủ có thể hoàn thành mục tiêu giành danh hiệu Kiện tướng quốc tế (phải đạt hệ số elo quốc tế tối thiểu là 2.400) hoặc Đại Kiện tướng quốc tế (phải đạt hệ số elo quốc tế tối thiểu là 2.500) đã được nhắc đến nhiều lần. Đến nay, đấy vẫn là câu chuyện thời sự bởi vẫn có quá ít sân chơi như vậy.
Trong khi đó, để có thể ra nước ngoài thi đấu nhằm tích lũy hệ số elo quốc tế lại không đơn giản. Kinh phí cho một chuyến thi đấu quốc tế không hề rẻ bởi ước tính, một chuyến thi đấu tại Lào (được xem là có chi phí rẻ nhất) cũng lên đến khoảng 10 triệu đồng/người. Không kể, đi thi đấu quốc tế như vậy dù mất khá nhiều tiền (so với nhiều kỳ thủ Việt Nam) nhưng chưa chắc tích lũy được hệ số elo quốc tế do nguy cơ thua trận hoặc thậm chí bị cầm hòa những đối thủ có hệ số elo quốc tế thấp hơn.
Chính vì thế, nếu có những giải đấu tính hệ số elo quốc tế ngay tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thì sẽ là giải pháp tốt nhất để các kỳ thủ Việt Nam sớm thực hiện được mục tiêu giành đủ elo quốc tế. Từ đó, bảo đảm một trong những điều kiện được phong danh hiệu Kiện tướng quốc tế hoặc Đại Kiện tướng quốc tế.
“Một nền cờ vua chỉ được công nhận là mạnh nếu có nhiều Đại Kiện tướng quốc tế và Kiện tướng quốc tế”. – phụ trách môn cờ (Tổng cục TDTT) Nguyễn Minh Thắng khẳng định.
Có lần, Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, người thường tổ chức các giải cờ vua trên địa bàn Hà Nội, đã kể rằng không khó để tổ chức một giải cờ vua tính hệ số elo quốc tế tại Việt Nam, nhất là những giải đấu cấp độ nhỏ. Với lệ phí chỉ vài trăm USD cùng việc bảo đảm điều kiện thi đấu như quy định của Liên đoàn Cờ vua thế giới là sẽ được tổ chức giải.
Rõ nhất là giải cờ vua “Đường đến danh hiệu Kiện tướng quốc tế” 2020 mới kết thúc vào tối 27/9 tại câu lạc bộ cờ vua Vietchess (Hà Nội) do câu lạc bộ Vietchess và câu lạc bộ Kiện tướng tương lai phối hợp tổ chức. Đây là giải đấu hiếm hoi tại Việt Nam trong năm nay được Liên đoàn Cờ vua thế giới cho phép tính hệ số elo quốc tế với các kỳ thủ tham dự. Đó cũng là giải đấu đầu tiên theo hình thức trực tiếp của cờ vua Việt Nam có tính hệ số elo quốc tế sau khi dịch COVID-19 bị khống chế tại Việt Nam.
Để dự giải, kỳ thủ đóng lệ phí cao nhất cũng chỉ 800 nghìn đồng, ít nhất cũng chỉ 400 nghìn đồng. Mức lệ phí này căn cứ vào hệ số elo quốc tế của kỳ thủ đăng ký. Theo đó, kỳ thủ có hệ số elo quốc tế càng cao thì đóng lệ phí càng ít. Cụ thể, kỳ thủ có hệ số elo quốc tế trên 1.600 đóng lệ phí 400 nghìn đồng, hệ số elo quốc tế từ 1.300 đến 1.399 là 800 nghìn đồng. Mức lệ phí như vậy được xem là ít so với chi phí khi ra nước ngoài thi đấu để lấy hệ số elo quốc tế.
Sau giải đấu này, hàng loạt kỳ thủ đã tăng hệ số elo quốc tế. Trong đó, có kỳ thủ đã tăng tới 82 elo. Và cũng có kỳ thủ bị trừ 26 elo. Dù tăng hay giảm thì các kỳ thủ cũng có một sân chơi để tìm cơ hội cho chính mình.
Quan trọng nhất là cần có nhiều hơn sân chơi như thế.
Không thể là chuyện của số ít
Ngay từ bây giờ, Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh (người đang điều hành câu lạc bộ Kiện tướng tương lai) và người thầy của mình là Lương Trọng Minh (điều hành câu lạc bộ Vietchess) đang lên kế hoạch tổ chức ít nhất 2 giải đấu tại Hà Nội trong khoảng 3 tháng cuối năm 2020 để giúp các kỳ thủ Việt Nam, trong đó có các kỳ thủ đang sinh sống ở Hà Nội, tích lũy thêm hệ số elo quốc tế.
Như lý giải của ông Bùi Vinh thì nhu cầu thi đấu tại các giải đấu có tích lũy hệ số elo quốc tế tại Hà Nội rất lớn. Quan trọng là cần có người hoặc đơn vị đứng ra tổ chức giải. Theo tính toán, chỉ cần dựa vào lệ phí dự giải của các kỳ thủ là có thể bảo đảm chi phí tổ chức giải. Tất nhiên, nhà tổ chức phải chấp nhận không tính lời lãi và “mất công, mất buổi” khi tổ chức giải. Còn nếu không, sẽ khó có thể tổ chức giải đấu.
Theo giới chuyên môn, chỉ riêng tại Hà Nội, nơi có phong trào cờ vua mạnh hàng đầu cả nước cũng cần có ít nhất 10 giải đấu có tính hệ số elo quốc tế trong một năm. Còn như hiện tại, chỉ có 3-4 giải thì vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu nâng tầm cho cờ vua Hà Nội cũng như Việt Nam. Cho nên, đấy sẽ không phải là câu chuyện của một số câu lạc bộ hay cá nhân đam mê, mong muốn cờ vua Việt Nam có nhiều kỳ thủ đạt hệ số elo quốc tế tương ứng với trình độ, mà cần nhiều hơn những câu lạc bộ khác. Thậm chí cũng cần tính tới vai trò của Liên đoàn Cờ Việt Nam trong việc chung tay tổ chức nhiều giải đấu có tính hệ số elo quốc tế hơn. Thực tế, Liên đoàn Cờ Việt Nam đã phối hợp với một số câu lạc bộ cờ vua để tổ chức một số giải đấu nhưng số lượng giải vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, nhu cầu.
Vì vậy, nói đến sự chung tay để cờ vua Việt Nam thêm nhiều kỳ thủ có hệ số elo quốc tế đạt mức, để bảo đảm một trong những điều kiện được phong danh hiệu quốc tế cũng vì lẽ đó.
Và đó cũng không hẳn chỉ là câu chuyện của cờ vua. Ở nhiều môn thể thao khác, trong đó có một số môn mũi nhọn của thể thao thành tích cao Hà Nội như: Boxing, wushu… cũng đang cần những sân chơi để giúp VĐV nâng tầm thay vì chỉ trông vào 1-2 giải trong hệ thống thi đấu quốc gia hằng năm.
Minh Hà